PHÓ THỦ TƯỚNG CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI UAV GIÁM SÁT KHU VỰC SẠT LỞ ĐẤT: HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH NGĂN NGỪA THẢM HỌA

Share This Post

Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại Hà Giang và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị yêu cầu triển khai máy bay không người lái (UAV) để rà quét và giám sát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đây là động thái khẩn trương nhằm kịp thời phát hiện sớm các vết nứt trên địa hình, đưa ra cảnh báo nhanh chóng cũng như các biện pháp di dời người dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Chỉ thị số 101/CĐ-TTg, được ký ngày 30/9/2024, không chỉ là thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ về sự ưu tiên bảo vệ người dân trước thảm họa mà còn là lời kêu gọi hành động, tăng cường các biện pháp ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ quét trên toàn quốc. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng được giao trọng trách chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương để triển khai UAV trên diện rộng, tạo ra lớp “lá chắn công nghệ” giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường và kịp thời ngăn chặn các nguy cơ sạt lở lớn.

Theo báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ Dân sự Quốc gia, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào sáng ngày 29/9/2024 tại Km 51 trên Quốc lộ 2, thuộc xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã khiến 1 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 4 người khác bị thương. Hiện trường sạt lở cũng làm gián đoạn giao thông và gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cùng các cơ quan liên quan, nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả và ứng phó kịp thời với nguy cơ sạt lở đất trong khu vực.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia có nhiệm vụ phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết hỗ trợ chính quyền địa phương trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ, sạt lở đất, sạt lở đất theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương triển khai ngay UAV để rà quét các khu vực có nguy cơ sạt lở, kịp thời phát hiện các vết nứt để cảnh báo sớm, có biện pháp phòng ngừa, trong đó bao gồm việc di dời người dân; đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải còn được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá các tuyến đường có nguy cơ sạt lở; xây dựng phương án phân luồng giao thông hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho hàng hóa và người dân khi di chuyển. Đồng thời, bộ cũng cần chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng để kịp thời xử lý, giải tỏa khi có sự cố xảy ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, cung cấp thông tin cảnh báo và dự báo lũ lụt, kịp thời thông báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan chức năng và người dân chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm vụ được phân công, cụ thể, giám sát chặt chẽ tình hình, chỉ đạo và điều phối các biện pháp phòng chống thiên tai, đặc biệt tập trung vào sạt lở đất và lũ quét tại các khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện chỉ thị theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao.

error: Content is protected !!